Hacoocha

Hiểu hơn về trà khí

Bên cạnh sắc – hương –vị, trà khí cũng là yếu tố rất được trà hữu quan tâm. Trà khí, nói một cách dễ hiểu thì đó là năng lượng được lan tỏa sau khi uống trà.

Về cơ bản, trà khí được xem là một trải nghiệm chủ quan của người uống trà về một loại, phẩm trà nào đó. Tùy vào cảm nhận của mỗi người, cùng với sự tác động tổng hợp giữa dược lý của trà và hoạt động tinh thần của người thưởng trà sau khi nước trà đi vào cơ thể sẽ phản ứng tạo thành trà khí. Cùng một loại trà, mỗi người sẽ có một tâm trạng khác nhau. Và cùng một người, thường cùng một phẩm trà nhưng sự thay đổi về thời gian, môi trường cũng tạo ra trà khí khác nhau.

Để cảm nhận được trà khí, khi thưởng trà, trà hữu cần ngồi ở tư thế thoải mái nhất, tĩnh lặng và lắng nghe được cơ thể khi nguồn năng lượng sau khi uống trà dần lan tỏa.

Trà khí khi đạt được độ mạnh nhất định nó sẽ thúc đẩy tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, người thưởng trà sẽ cảm nhận được sự mãnh liệt trong khoang miệng. Ở một góc độ nào đó, khi sử dụng trà cụ và các bước pha trà bài bản, trà hữu cũng có thể cảm nhận trà khí từ luồng khí nóng được lan tỏa từ ấm trà, tác động đến các giác quan tạo ra các hiện tượng dễ chịu như ra chút mồ hôi, tinh thần phấn chấn, làm ấm cơ thể,…

Trà hữu cũng có thể cảm nhận và đánh giá trà khí thông qua mùi thơm của trà. Khi trà có mùi thơm đậm, lưu hương sâu thì đó là loại trà có trà khí mạnh. Nếu mùi thơm không đậm, dễ phai và ít có sức xuyên thấu thì là trà khí yếu.

Bên cạnh đó, người ta còn đánh giá trà khí qua hàm lượng các chất có trong trà, độ sánh của nước, sự luyến láy mà nước trà mang lại, hậu vị, lưu ngọt lâu hay không.

Ngoài ra, các trà nhân còn nhận định, trà càng ngon càng quý thì trà khí sẽ càng nhiều. Những yếu tố như địa điểm trồng trà, tuổi đời cây trà và tuổi của trà cũng là những yếu tố quyết định trà có nhiều khí hay không.

Nguồn: Thông tin tổng hợp có chỉnh sửa

 

X