Hotline tư vấn

Bí mật sau những phẩm trà đắt đỏ của Shark Hưng

Tình yêu đối với trà Việt, tiếc nuối cho những giá trị trà cổ bị lãng quên đã thôi thúc Shark Phạm Thanh Hưng tạo nên những phẩm trà thương hiệu Hacoocha với khát vọng sánh ngang những hãng trà đẳng cấp nhất thế giới.

Với ông Hưng, việc phát triển thương hiệu trà đến từ tình yêu và tâm huyết với trà Việt chứ không phải vì lợi nhuận.

Từ Tết năm ngoái, trong giỏ quà của giới “sành chơi”, thay vì những chai rượu ngoại nổi tiếng, nhiều người bất ngờ khi thấy những hộp trà cao cấp với mức giá gấp hàng chục lần các loại trà thông thường. Mỗi hộp quà tặng được đóng gói công phu, với những họa tiết sang trọng, không chỉ khiến người tặng cảm thấy tự tin mà người được nhận cũng rất tự hào.

Ít ai biết rằng, người đứng sau thương hiệu trà đắt tiền này lại là Shark Phạm Thanh Hưng, một doanh nhân nổi tiếng trên thị trường bất động sản, vì yêu trà Việt nên đã tạo nên một phẩm trà quá đỗi kỳ công.

Duyên nợ với trà

Thành công trong kinh doanh bất động sản với cương vị Phó chủ tịch HĐQT Cen Group và là một trong những nhà đầu tư “cá mập” nổi tiếng trong Shark Tank Vietnam, song ít ai biết rằng, lĩnh vực kinh doanh đầu tiên mà ông Hưng bén duyên là trà.

Quê gốc Hà Nội nhưng lớn lên ở vùng đất trung du, trong suốt những năm tháng chiến tranh, gia đình đi sơ tán, tuổi thơ Shark Hưng gắn liền với những đồi chè xanh bát ngát. Nông trường chè Chí Linh ở tỉnh Hải Dương khi đó là một trong những nơi sản xuất chè lớn nhất miền Bắc.

Hồi tưởng lại, ông Hưng vẫn nhớ rất rõ mỗi buổi sáng sớm tinh mơ, được đi hái chè trên những đồi chè nối tiếp nhau chạy dài tít tắp, những ngày cuối tuần nổi lửa sao chè cùng với bố mẹ, gia đình. Tình yêu với cây chè lớn dần lên theo năm tháng và dường như đã thấm vào máu thịt.

Ngay từ thời đại học, ông Hưng đã mang trà lên Hà Nội để bán, mặc dù thời điểm đó, gia đình đã không còn ở vùng đất chè Hải Dương. Việc kinh doanh chè khi đó xuất phát từ niềm yêu thích và gắn bó hơn là kiếm lời.

Sau này, khi đã có sự trải nghiệm, bỏ nhiều thời gian nghiên cứu những hãng trà cổ nổi tiếng trên thế giới, mỗi dịp đi nước ngoài, thú vui lớn nhất với ông Hưng luôn là dành thời gian tìm hiểu và mua về bằng được những đặc sản trà của quốc gia đó.

Từ các thương hiệu trà cao cấp của thế giới như T2 của Anh, Celestial Seasonings của Mỹ, TWG của Singapore hay những những bánh trà Phổ Nhĩ đắt nhất thế giới có niên đại hàng chục năm ở Trung Quốc, hiếm có loại trà nào ông chưa thử qua.

Giờ đây, nghề chính là kinh doanh bất động sản, nhưng ông Hưng có đam mê đi phượt, leo núi. Và trong những chuyến leo núi tại tỉnh vùng cao Hà Giang, trên những sườn núi cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, ông phát hiện ra những đồi chè cổ vô cùng quý hiếm. Với những cây chè đại cổ thụ, đường kính lên tới khoảng 50 – 70cm, theo đánh giá của giới chuyên môn, tuổi thọ có thể lên tới hàng ngàn năm. Những cây có đường kính khoảng 15 – 20cm với tuổi thọ vài trăm năm cũng rất nhiều.

Những cây trà Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi

Tìm hiểu sâu hơn, ông Hưng mới biết rằng, phần lớn những nguyên liệu trà cổ quý hiếm đều được thương nhân Trung Quốc thu mua. Chè chỉ cần hái xuống dưới chân đồi là được mua hết, sơ chế rồi đóng bánh và chuyển sang bên kia biên giới. Sau đó, người Trung Quốc mới tẩm hương ướp, lên men để trở thành những loại trà đặc biệt đắt đỏ.

Tìm đến những xưởng trà chuyên gia công cho Trung Quốc, ông Hưng càng bàng hoàng hơn khi chính những chủ xưởng trà này cũng thừa nhận rằng, chỉ cần thương nhân Trung Quốc mang trà ra khỏi cửa, giá trị đã tăng lên hàng trăm lần, còn khi mang về Trung Quốc, giá trị tăng lên đến hàng nghìn lần. “Thương nhân Trung Quốc đặt sản xuất 1.000 bánh trà nhưng khi về đến bên kia biên giới, họ chỉ cần bán một bánh đã hoà vốn”, ông Hưng kể lại.

Leo lên dãy Tây Côn Lĩnh, ông Hưng “giật mình” khi dùng điện thoại đo đường thì thấy chỗ mình đứng chỉ cách vùng trà Phổ Nhĩ nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hơn 200km theo đường chim bay.

Buồn cho những cây trà cổ không được trả về với đúng giá trị, tiếc cho những phẩm trà tuyệt hảo vài trăm đến hàng nghìn năm tuổi bị xuất khẩu thô với giá rẻ mạt, hoặc bị tận thu quá mức, chế biến không đúng cách gây lãng phí, ông Hưng càng quyết tâm xây dựng một thương hiệu trà shan tuyết cổ thụ với khát vọng sẽ sánh ngang những hãng trà đẳng cấp nhất trên thế giới.

Từ đó, thương hiệu Hacoocha Tea ra đời. Hacoocha dựa trên tiêu chí lấy bí quyết cổ trà kết hợp tinh hoa hiện đại, tạo ra những phẩm trà tuyệt hảo lưu trữ trọn vẹn những giá trị tinh túy nhất của những cây chè shan tuyết cổ thụ.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Từ những ý tưởng sơ khởi trong đầu, ông Hưng tiếp tục lặn lội lên vùng núi Tây Côn Lĩnh vừa cao, vừa hiểm trở. Càng đi sâu vào những vùng trà cổ ở phía Tây tỉnh Hà Giang, ông Hưng càng thấy nhiều cây trà cổ mọc cheo leo trên những triền núi, không ai sở hữu, nhưng “người dân tộc họ cứ tự nhận là của họ”.

Việc bảo tồn những cây chè này là vấn đề rất lớn khi người dân địa phương luôn tìm cách tận thu. Có những cây chè cao hàng chục mét bị người dân chặt luôn xuống để hái búp. Phải mất mấy năm sau, cây mới có thể mọc lên được mầm mới. Ông đặt vấn đề mua lại những cây chè đó bằng viết giấy tay với sự xác nhận của các trưởng bản, sau đó đến mùa lại thuê chính những người dân ở đó hái giúp.

Để hái được chè, không còn cách nào khác, người dân phải leo lên những đỉnh núi, vách đá rất vất vả

Mọc trên độ cao hơn 1.500m, với tuổi đời hàng trăm năm, những cây chè shan tuyết cổ thụ vừa hiếm, vừa có chất lượng cao hơn so với những cây chè ở trung sơn, mọc ở độ cao từ 700-1.200m như ở Mộc Châu hay hạ sơn ở độ cao dưới 700m như Thái Nguyên, Phú Thọ.

Bản thân cây chè rất kén về thổ nhưỡng và khí hậu. Có những cây chè quý khi đánh lên và trồng ở vùng khác để bảo tồn thì đều đã bị hỏng. Những cây chè cổ nằm trên núi Tây Côn Lĩnh hưởng không khí trong lành, không ô nhiễm, được hấp thụ gió sương tạo nên một hương vị riêng.

Để hái được chè, không còn cách nào khác, người dân phải leo lên những đỉnh núi, vách đá rất vất vả, và cùng lắm một ngày chỉ hái được 5 gùi, mỗi gùi từ 3-5kg.

Sau khi thu mua được nguyên liệu, công đoạn chế biến cũng rất cầu kỳ. Ông Hưng đã đi tìm gặp và hợp tác với nhiều nghệ nhân làm trà cổ để cùng nâng cao điều kiện chế biến trà nhằm tạo ra những phẩm trà tuyệt hảo.

Kì công ngay từ công đoạn phơi trà…

Chè sau khi hái xong được phơi ở những mẹt to, người nghệ nhân phải xếp từng lá một để tránh bị dập. Mọi công đoạn chế biến đều hết sức kỳ công, tỷ mỷ, đòi hỏi các nghệ nhân tay nghề cao, thực sự am hiểu và sành về trà.

Có ba cách chế biến trà phổ biến là tác động nhiệt, tác động vật lý và lên men sinh hóa, mỗi công đoạn lại đòi hỏi những kỹ năng mang tính “bí truyền”. Như tác động vật lý là dùng máy vò để chè tiết ra nhựa, từ đó tạo hương vị. Còn tác động sinh hóa là lên men cưỡng bức bằng cách tăng độ ẩm và nhiệt độ, hoặc lên men tự nhiên là cứ đóng chè thành bánh để tự lên men.

… đến ủ trà!

Có thời gian dài, ông Hưng liên tục lên ở các vùng trà hàng tuần để giám sát quy trình chế biến. Ở đâu có chè ngon ông cũng sưu tập về uống thử. Khắp mọi nơi, từ phòng làm việc trong nhà đến trà thất ở công ty, đều chất đầy trà. Mỗi phẩm trà đều được ông và các cộng sự nghiên cứu kỹ lưỡng, liên tục điều chỉnh, thêm vị nọ, bớt vị kia để ra được những phẩm trà ưng ý nhất.

Nếu như tại các nông trường chè sản xuất đại trà, chỉ hai tuần lại thu hoạch một lần thì với trà shan tuyết cổ thụ, một năm chỉ được hái hai vụ, vô cùng quý hiếm. Hơn nữa, tỷ lệ hỏng, thất thoát, gãy vụn cũng rất cao.

Chính vì vừa quý hiếm, công đoạn sản xuất công phu nên mỗi hộp trà Hacoocha 70g-100g có giá đắt nhất lên đến 1 triệu đồng, mỗi kg chè có giá từ 10 triệu đồng. Trong khi đó, trà công nghiệp loại ngon của Thái Nguyên cũng chỉ 800 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, ông Hưng cho rằng, giá trà Hacoocha vẫn vô cùng rẻ nếu so chất lượng và giá trị mà phẩm trà sở hữu với những thương hiệu trà danh tiếng trên thế giới.

Khát vọng nâng tầm trà Việt

Ngay từ tên gọi, “Hacoocha” đã thể hiện mong muốn của ông Hưng trong việc lưu giữ những tinh hoa của trà cổ. Hacoocha theo ông Hưng là “Hà Giang cổ trà”, trà cổ của Hà Giang, nhưng ông lại tiết lộ một ý nghĩa rất thú vị: “hai cốc trà” hay trà đôi.

Là người làm thương hiệu, ông Hưng rất cầu kỳ trong khâu thiết kế thương hiệu cho Hacoocha. Ông lấy biểu tượng hai con hươu đứng cạnh cây trà cổ thụ và theo văn hoá phương Tây, hươu chính là loài động vật mang ý nghĩa bảo vệ rừng. Xây dựng tên gọi và hình ảnh thương hiệu như vậy, ông Hưng mong muốn bảo vệ trà cổ và năng tầm những giá trị tinh hoa của trà Việt.

Sản phẩm của Hacoocha hướng tới những người tiêu dùng thực sự cao cấp

Hay như cách đặt tên của các dòng trà, ông Hưng cũng dồn rất nhiều tâm huyết. Năm dòng trà của Hacoocha tương ứng với ngũ hành tương sinh, mỗi dòng lại có nhiều phẩm độc đáo. Hàng chục cái tên “anh em họ hàng” của nhà Hacoocha mỗi phẩm một tính cách nhưng cũng rất có liên quan, nghe tên là đoán biết. Ví dụ như Bạch trà có Kim Quang Đỉnh, rồi Bạc Nguyên Khai, hay Lục trà có Mộc Thiên Hương, Sa Mộc Kiếm.

Nếu Hoàng trà yểu điệu với Vân Ủng Sơn, quyến rũ nồng nàn cùng Mãn Vụ Sơn, thì nhánh Hồng trà lại lừng lẫy với Hồng Nữ Nhi và Lôi Thiên Mã. Cuối cùng người anh trưởng môn của dòng trà lên men hoàn toàn, hay còn gọi là Huyền trà với tên oai phong Đại Sơn Khê.

Còn nhiều dòng trà bánh quý hiếm lên men tự nhiên như Xạ Nhật Cung, hay Phong Thụ Nguyệt, Nguyệt Mãn Khai và Nhật Nguyệt Giao. Đây đều là những phẩm trà tuyệt hảo và quý hiếm xưa nay không dễ gì có được.

Tinh tế hơn, ông Hưng còn lựa chọn ngôn ngữ tiếng Anh tương ứng với mỗi dòng trà. Như Bạc Nguyên Khai là Virgin Silver hay Hồng Nữ Nhi là Pink Lady, và theo tiết lộ của ông Hưng, ý tưởng song ngữ này cũng thể hiện mục tiêu là không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn xuất khẩu trà Việt để cạnh tranh với những thương hiệu hàng đầu thế giới.

Hiện tại, sản phẩm của Hacoocha hướng tới những người tiêu dùng thực sự cao cấp, đặc biệt là những người thiền, sành trà, hiểu và trân trọng những giá trị của trà cổ. Với những giá trị dày công tạo dựng, ngay từ vụ Tết đầu tiên ra mắt một số phẩm trà thăm dò thị trường và mặc dù chỉ bán trực tiếp qua kênh “quen biết” nhưng Hacoocha vẫn “cháy hàng”.

Năm nay, Hacoocha tiếp tục cho ra mắt các phẩm trà ngon cùng nhiều set quà Tết cao cấp, được chuẩn bị công phu, kỳ vọng chinh phục cả những khách hàng khó tính nhất. Công ty vừa ra mắt set quà tặng Nhịp Thời Gian với 15 phẩm trà độc đáo, chứa đựng 15 câu chuyện bất ngờ cho mỗi ngày. Hộp trà Nhịp Thời Gian lấy ý tưởng từ những bộ lịch mùa vọng của châu Âu, khi thưởng thức trà hoặc bánh kẹo trong lúc đếm ngược từng ngày cho tới Giáng sinh, năm mới.

Nhu cầu ngày càng mở rộng nhưng để phát triển thương hiệu lớn mạnh hơn nữa, vấn đề vướng mắc lớn nhất là sản lượng. Với vùng nguyên liệu cực kỳ quý hiếm, ít ỏi, để tăng sản lượng trà, mở rộng sản xuất là không đơn giản. Hiện ông Hưng đang tìm kiếm thêm những vùng trà cổ thụ quý ở Yên Bái, Sơn La, phấn đấu có thể để đạt mục tiêu doanh thu từ 70 – 100 tỷ đồng/năm.

Và hiện tại dù doanh thu không đáng gì so với các hoạt động đầu tư bất động sản nhưng ông Hưng cho biết, “việc phát triển thương hiệu trà đến từ tình yêu và tâm huyết với trà Việt chứ không phải vì lợi nhuận”.

Nhìn xa hơn, với ông Hưng, đó vẫn chưa là tất cả. Với Hacoocha, ông Hưng kỳ vọng sẽ khơi lại và bồi đắp thêm những giá trị to lớn cho trà cổ và cả văn hoá uống trà của người Việt.

“Thay vì khách đến nhà mời rượu có thể sẽ là uống trà. Một ấm trà quý đôi khi còn đắt đỏ và quý hơn nhiều lần một chai rượu mạnh. Quan trọng hơn, uống trà là thú chơi tao nhã, cực sang và tĩnh. Nhờ đó, mọi người có thể xích lại gần nhau hơn, kể cho nhau nghe những câu chuyện hay, thú vị, trong khi uống rượu vốn ồn ào và có hại cho sức khoẻ”, ông Hưng chia sẻ.

X