Hotline tư vấn

Đại dịch Covid-19, cơ hội nào cho trà Shan Việt?

Đại dịch COVID khiến doanh nghiệp ngành trà điêu đứng song người làm trà lại tìm ra trong đó những cơ hội quý giá để lan tỏa câu chuyện trà Shan Việt – vốn quý của ngành trà, nhưng có thể nói từ lâu bị thất thế, lãng quên ngay trên chính trên quê hương cây trà Shan.

Nghiên cứu về cây trà San cổ thụ Việt Nam từ 2019, GS-TS Nguyễn Quốc Vọng khẳng định: “Đã đến lúc nên xác minh với người dân trong nước và thế giới biết rằng, chỉ số chất lượng trà Shan cổ thụ Việt – gồm những hợp chất mang lại lợi ích sức khỏe như Polyphenols, Caffein và Axit Amin… – chiếm đến hơn 50% so với chỉ số các loại trà xanh và trà đen công nghiệp khác”.

Yếu tố hoang dã, thiên nhiên, tạo cho trà Shan cổ thụ nội chất phong phú, có dược tính cao

Lập luận cho khẳng định của mình, GS-TS Nguyễn Quốc Vọng chia sẻ thêm: “Sau nhiều ngày tháng đi tìm, nghiên cứu, và làm việc (học hỏi là chính) với các hộ gia đình, hợp tác xã, cơ sở và công ty chế biến trà Shan ở Suối Giàng – Yên Bái, Bản Liền – Lào Cai, Cao Bồ, Vị Xuyên, Phìn Hồ – Hà Giang, Tà Xùa – Sơn La, Tủa Chùa – Điện Biên… tôi và nhóm nghiên cứu xác định hợp chất tannins trong đó có tannic acid và 3-isotheaflavin-3-gallate (TF3) của các loại trà Việt Nam rất phong phú, đặc biệt trà xanh Shan tuyết cổ thụ có lượng tannins cao gần gấp đôi so với lượng tannins của trà xanh nước ngoài; và lượng tannins của trà đen Shan tuyết cổ thụ cũng cao hơn gấp rưỡi so với trà đen nước ngoài…”.

Trà Shan, trong rủi có may

Trong mùa giãn cách vì đại dịch, nhiều ngành nghề buộc tạm dừng vì COVID, việc vận chuyển hàng hóa cũng phải gắn với các danh mục thiết yếu, cần thiết cho người dân mới được phép lưu hành ở các vùng giãn cách. Trong công văn 4481/BCT ban hành ngày 27/07/2021 của Bộ Công Thương, có quy định cụ thể, chi tiết các mặt hàng thiết yếu và trong danh sách ấy có trà. Cho thấy tầm quan trọng của trà với đời sống sinh hoạt con người.

Ở góc độ sản xuất, có thể nói đại dịch COVID khiến doanh nghiệp ngành trà điêu đứng, riêng với các đơn vị sản xuất dòng trà đặc sản Shan tuyết cổ thụ, trong cái khó khăn của nhân lực sản xuất, vận chuyển, thương mại, xuất khẩu… người làm trà lại tìm ra trong đó những cơ hội quý giá để lan tỏa câu chuyện trà Shan Việt – vốn quý của ngành trà, nhưng có thể nói từ lâu bị thất thế, lãng quên ngay trên chính trên quê hương cây trà Shan.

Nói về cách lan tỏa câu chuyện trà Shan cổ thụ trong mùa đại dịch, chị Nguyễn Thị Thắm – một chủ doanh nghiệp trà cho biết: “Ở vai trò nhà sản xuất, đại dịch khiến kinh doanh chậm lại. Và để thích nghi, thay vì tập trung vào sản xuất số lượng, chúng tôi chú trọng nghiên cứu, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm để từng dòng trà thêm ổn định. Nếu việc xuất khẩu, nhu cầu thị trường ở mức trung bình, nhưng riêng sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước chúng tôi đặt yêu cầu khắt khe hơn, chất lượng cao gấp đôi, gấp ba so với xuất khẩu. Mục đích để người tiêu dùng nhận ra giá trị thực của trà Shan”.

“Chúng tôi tạo các đợt chia sẻ, giới thiệu, nói chuyện về đặc tính các loại trà, vùng nguyên liệu, về văn hóa bản địa nơi có vùng trà chúng tôi đang khai thác, tổ chức những buổi uống trà online, tăng tương tác giữa người uống trà và nhà sản xuất, qua đó đúc kết tư duy tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp thị trường Việt. Trà Shan, không chỉ là thức uống, mà còn được ví là dược liệu quý, nên chúng tôi xác định việc sản xuất trước tiên nhằm phục vụ người Việt”, chị Nguyễn Thị Thắm chia sẻ.

Xã hội giãn cách, dịch kéo dài, nhờ vậy người yêu trà có thêm thời gian lắng đọng tìm hiểu, chiêm nghiệm và cảm nhận những dòng trà Shan cổ thụ Việt. Những tinh hoa từ trà Shan, thực sự đem lại nhiều bất ngờ. Anh Đoàn Minh Giang – cư dân ở Times City, với thói quen uống trà Phổ Nhĩ của Trung Quốc, khi được trải nghiệm trà Shan ép bánh của vùng trà Sùng Đô, Yên Bái đã chia sẻ cảm xúc: “Tôi làm quen với trà Phổ Nhĩ từ hơn 10 năm trước qua các đối tác ở Quảng Châu, uống trà Phổ Nhĩ như thói quen hàng ngày. Đúng đợt dịch người bạn trà giới thiệu cho tôi bánh trà Shan của vùng Sùng Đô, thực tình tôi không nghĩ Việt Nam lại có được loại trà này, và khi uống thử, tôi bất ngờ bởi nội chất mạnh mẽ, và chỉ sau tuần đầu, cơ thể đã có cảm giác thay đổi tích cực, điều đó làm tôi tò mò và càng tìm hiểu thêm thông tin, tư liệu về trà Shan Việt, tôi càng thêm bất ngờ, mình có một vốn quý ngay cạnh mà bao năm không để ý”.

Người tiêu dùng hưởng lợi từ trà Shan

Có thể thấy các doanh nghiệp sản xuất trà Shan cổ thụ, đã tạo nên nhiều sản phẩm đa dạng ở cả trà diệt men (trà xanh), và trà lên men với bạch trà, hồng trà, trà phơi, trà ép bánh… mỗi vùng nguyên liệu, mỗi nhà sản xuất, lại mang những đặc tính khác nhau về thổ nhưỡng, cá tính, phong cách, tạo đa dạng về chủng loại chứ không chỉ đơn thuần là một loại trà xanh sao suốt, quay tôn thủ công như ngày xưa.

Kỹ thuật làm trà thủ công của đồng bào dân tộc cũng là chi tiết hấp dẫn người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm

Khi các nhà sản xuất trà Shan tập trung vào thị trường trong nước, người yêu trà Việt có cơ hội tiếp cận các sản phẩm trà Shan, biết được vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, hiểu rõ đặc tính các vùng trà, thông qua câu chuyện được các nhà sản xuất giới thiệu, tiếp cận trực tuyến.

Là người sưu tầm, nghiên cứu các sản phẩm về trà, anh Nguyễn Hồng Thái – ngõ 243 Âu Cơ, Hà Nội, cho biết: “Ngày trước mua trà, không mấy để ý đến nhà sản xuất, nguồn gốc, nhất là những bánh trà nhập khẩu, chỉ biết mua theo giá và thói quen hoặc do tin tưởng người bán. Bây giờ thì mua trà, còn truy được nguồn gốc, biết rõ nhà sản xuất, năm làm ra sản phẩm, được tiếp cận vùng nguyên liệu, việc tìm hiểu thông tin cũng dễ dàng, từ đó định vị ra đặc trưng từng vùng trà, loại trà để chọn uống cho phù hợp. Qua đó niềm tin vào trà Việt cũng được củng cố chứ ngày trước, không thể nghĩ Việt Nam có thể sản xuất ra những loại trà nào là ép bánh, bạch trà, hồng trà… mang hương vị đa dạng đến vậy”.

Qua thăm dò thị trường thì những dòng trà được xử lý bằng phương pháp ít tác động, được số đông người tiêu dùng ưa chuộng hơn bởi có hương vị thiên nhiên, thanh dịu, dễ uống, dễ cảm nhận. Trà phải đắng chát là một thời do hạn chế về kỹ thuật chế biến và thói quen tiêu dùng, còn bây giờ, trà mang nhiều hương vị phong phú và đa dạng, càng để qua thời gian, hương vị ấy lại chuyển đổi rất thú vị”.

Với những người có thói quen uống trà lâu năm, khi chọn trà Shan cổ thụ, trà xanh hoặc trà ép bánh mới sản xuất sẽ phù hợp vì vẫn có đủ độ chát mạnh mẽ, hậu vị sâu, dày kiểu trà xanh truyền thống. Còn với người cao tuổi, phụ nữ hoặc người không thường xuyên uống trà, nên chọn các dòng trà lên men, bởi độ chát thấp, hương nổi trội, và quá trình lên men tạo cho trà sản sinh những hoạt chất có ích cho cơ thể. Các loại trà có thể kể như bạch trà, hồng trà, trà ép bánh sống lâu năm, trà ép bánh chín…”

Nói đến trà lên men, đặc biệt là trà ép bánh, Việt Nam có thế mạnh từ lâu về vùng nguyên liệu, nhưng phần đa phục vụ thị trường xuất khẩu. Do đại dịch COVID, lượng tiêu thụ chậm, khó cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhưng người tiêu dùng trong nước lại hưởng lợi nhiều khi được tiếp cận những bánh trà giá trị. Việc tồn đọng sản phẩm, đặc biệt trà ép bánh, chỉ là những khó khăn bước đầu cho doanh nghiệp về vấn đề xoay nguồn vốn, nhưng tạo lợi thế rất lớn bởi đặc tính thú vị của trà Shan, càng để qua thời gian, trà tiếp tục lên men, dược tính, nội chất trong trà biến đổi tích cực, kéo theo giá trị thị trường tiếp tục tăng, càng để lâu, càng có giá.

Động thái tích trữ trà bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trong người tiêu dùng, ngay cả với những nhà sản xuất lớn. Điểm thú vị nữa ở trà Shan, có lẽ đây là ngành sản xuất hiếm hoi mà sản phẩm làm ra, càng tồn đọng lâu, càng sinh lợi cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Một chút trà ngon

X