Hotline tư vấn

Khám phá những dụng cụ pha trà đạo cơ bản có thể bạn sẽ cần

1. Ấm trà

Bất kì ai yêu thích uống trà đều biết để thưởng trà thì dụng cụ không thể thiếu chính là ấm pha trà. Tiêu chuẩn đầu tiên để quyết định một ấm trà tốt đó là vỏ ấm phải cứng, khi gõ nhẹ lên thành ấm nghe thấy âm thanh càng trong thì đây là sứ càng quý.

Ngoài ra, nắp ấm cũng phải kín, bạn có thể kiểm tra nắp ấm kín bằng cách đổ nước ấm vào ngập 3/4 ấm, dùng tay giữ nắp chặt và nghiêng ấm. Nếu không thấy có nước chảy ra từ nắp ấm thì đây là nắp ấm kín.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần để ý lựa chọn kích thước ấm cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Dung tích của ấm nên tương thích với số người sử dụng để tránh tình trạng thiếu trà gây bất tiện, hoặc dư trà làm trà bị nguội.

Các loại ấm trà bằng sành sứ thường thích hợp để hãm các loại trà nhẹ nhàng thanh tao như lục trà (trà xanh), bạch trà (trà trắng),… Ngược lại, các loại ấm đất như ấm tử sa lại thích hợp với các loại trà đã lên men như hồng trà, trà Ô Long,…

Ấm trà

2. Chén trà

Đã có ấm pha trà thì chắc chắn không thể quên chén dùng để uống trà đúng không nào. Các bộ ấm chén thường được chia thành 4 loại khác nhau thích hợp với từng mùa.

Chén trà mùa xuân – thu có kích thước vừa phải, thành chén không dày cũng không mỏng. Riêng đối với chén trà dùng trong mùa hè nóng ẩm thì sẽ có thành chén mỏng để giúp trà mau nguội. Ngược lại, chén mùa đông thì lại có thành chén dày, lòng chén sâu giúp giữ nhiệt của trà lâu hơn.

Tuy nhiên, ngày nay việc chọn chén không nhất thiết quá cầu kì theo từng mùa, mà tùy theo sở thích cá nhân mỗi người.

Chén trà

3.Chén tống

Chén tống là loại chén có dung tích lớn tương đương với ấm trà, dùng để lấy nước từ ấm sau mỗi lần hãm trà trước khi chia cho các chén nhỏ.

Chén tống thường được làm bằng gốm và thủy tinh để dễ quan sát màu sắc của trà, giúp lọc cặn trà, làm nước trà trong và đẹp hơn. Đây cũng là dụng cụ rất cần thiết để giúp vị trà được hòa đều hơn. Chén tống còn giúp giảm nhiệt độ của trà, tránh gây bỏng khi uống.

Ngoài ra, đối với các loại trà cần pha ở nhiệt độ thấp như trà xanh, bạn cũng có thể đổ nước sôi vào chén tống trước để làm giảm nhiệt độ của nước rồi mới đổ vào ấm trà.

Chén tống

4.Chén quân

Đối với chén quân, hiện nay có 2 loại chính là chén uống trà và chén thưởng hương.

Chén uống trà thường có miệng rộng và đáy nông để tiện lợi hơn cho việc thưởng thức hương vị và màu sắc của trà.

Ngược lại, chén thưởng hương có đáy sâu, miệng nhỏ hơn chén uống và được dùng chủ yếu để thưởng thức mùi hương của những loại trà thơm khác như trà Ô Long, các loại trà hoa,…

Bên cạnh chất lượng của gốm sứ, bạn cũng cần đảm bảo sự đồng nhất trong thiết kế và màu sắc của bộ ấm trà để đảm bảo bàn tiệc nhìn đẹp mắt và sang trọng hơn.

Chén quân

5.Liễn trà

Liễn trà là loại chén trà có nắp đậy, thường xuất hiện trong các bộ trà cụ Trung Quốc xưa. Liễn trà thường có kích thước tương đối lớn, có nắp ở trên và đĩa đỡ bên dưới.

Đặc biệt, loại chén này còn có thể tự hãm trà mà không cần ấm. Bạn chỉ cần tráng chén qua nước sôi, cho trà vào, đổ nước nóng và đậy nắp lại khoảng 20 giây đến 3 phút là có thể dùng được.

Tuy nhiên, loại liễn trà này lại ít phổ biến với người Việt Nam, ngày nay, chỉ một số ít người Hoa sinh sống tại Việt Nam mới dùng liễn trà.

Liễn trà

5. Lọc trà

Để pha được chén trà ngon, bên cạnh bộ ấm chén bạn còn cần nhiều vật dụng hỗ trợ khác. Trong đó, lọc trà là một dụng cụ khá quan trọng.

Lọc trà thường được dùng chung với chén tống, giúp bạn lọc được cặn của bã trà và giúp nước trà trong, đẹp hơn.

Tuy lọc trà hiện nay được sử dụng khá phổ biến ở Đài Loan, Trung Quốc, nhưng tại Việt Nam lại ít nhìn thấy. Do khác biệt văn hóa, trà đạo truyền thống Việt Nam thường không sử dụng lọc trà.

Lọc trà

7. Kháo trà

Kháo trà chính là chiếc bát lớn trong các bộ ấm chén, dùng để đựng nước sôi, làm nóng các dụng cụ pha trà cũng như vệ sinh trà cụ. Đồng thời đây cũng là nơi để đổ bỏ nước tráng trà và bã trà sau khi lọc.

Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng bàn trà chuyên dụng có khay chứa nước ở bên dưới thì không cần sử dụng đến kháo trà này.

Kháo trà

8. Khay trà

Nếu ở phương Tây có dĩa riêng cho từng tách trà, thì ở các nước Á Đông lại sử dụng khay trà để đựng ấm chén, giúp tránh nước trà bị rơi ra bàn hay chỗ ngồi.

Bạn lưu ý chọn những khay trà có chất liệu bền, dễ vệ sinh. Tùy vào sở thích và phong cách của mỗi người mà bạn có thể chọn kiểu dáng, thiết kế cầu kỳ hay đơn giản.

Khay trà không chỉ có tác dụng đựng ấm chén, mà còn được xem là một vật góp phần trang trí cho bàn trà thêm sinh động, đẹp mắt. Khay trà thường có màu tối, mục đích để làm tôn lên màu trắng sáng của ấm chén sứ.

Khay trà

9. Hộp đựng trà

Để bảo quản được hương vị trà được thơm ngon, cần có hộp chuyên dụng đựng trà. Hộp đựng trà tốt nhất là hũ đất nung, thế nhưng nếu không có điều kiện, bạn cũng có thể chọn hộp đựng bằng nhôm, thiếc hoặc thủy tinh.

Ngoài chất liệu, bạn còn cần đảm bảo lựa chọn hộp đựng trà kín, không cho không khí lọt vào dễ làm trà lên men. Nên chọn hộp đựng tối màu để hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào vì đây là nguyên nhân làm giảm hương vị của trà.

Hộp đựng trà

10. Bộ dụng cụ gắp

Nếu thường xuyên uống trà hoặc muốn thưởng trà chuyên nghiệp hơn, bạn có thể đầu tư cho mình một bộ dụng cụ gắp trà.

Bộ dụng cụ gắp dùng trong trà đạo thường bao gồm một muỗng trà dùng để lấy trà từ trong hộp đựng trà hoặc trộn các lá trà trong ấm, một que gắp chén, một phễu trà để khi cho trà vào ấm không bị rơi ra ngoài. Tất cả các dụng cụ được đựng trong một hộp đựng, gọi là cống trà.

Bộ dụng cụ gắp

11. Bình đun nước

Bên cạnh các dụng cụ chuyên dụng pha trà ở trên, bình đun nước cũng là một vật dụng có vai trò quan trọng trong quá trình hãm trà.

Tuy có thể sử dụng bình đun siêu tốc thay thế, nhưng để phù hợp với không gian thưởng trà, bạn nên đầu tư một bình đun nước pha trà chuyên dụng.

Bình đun nước dùng trong trà đạo thường là ấm gốm sứ, thủy tinh hoặc bằng kim loại, có thiết kế đẹp mắt. Hiện nay, để cho tiện lợi hơn, người ta thường sử dụng bình đun nước điện tử, có hệ thống lấy nước tự động từ bàn trà.

Bình đun nước

12. Khăn lau bàn

Cuối cùng, bạn còn cần chuẩn bị một cái khăn nhỏ, sạch để lau các trà cụ cũng như lau bàn trà, giữ cho bàn trà luôn sạch sẽ.

Khăn lau bàn trà nên là loại khăn bông dễ thấm hút nước. Đặc biệt khăn dùng lau bàn trà nên còn mới, không lau những chỗ khác trong bếp như bàn bếp dầu mỡ,… vì sẽ làm ám mùi, khiến việc thưởng trà không được trọn vẹn.

Khăn lau bàn

Sưu tầm

X